Chương trình giáo dục mầm non

I. MỤC ĐÍCH:
– Xây dựng môi trường vui chơi học tập thân thiện, an toàn, nhằm phát huy tính tích cực khám phá, tìm tòi sáng tạo trong mọi hoạt động của các cháu.
– Chăm sóc, giáo dục đào tạo những thế hệ Mầm non phát triển toàn diện về: Thể chất, ngôn ngữ, nhận thức, thẩm mỹ và tình cảm xã hội, làm nền tảng để các cháu học tốt những bậc học phổ thông.

II. NỘI DUNG:
1. Thời gian:
– Học bán trú 02 buổi/ngày (ăn nghỉ trưa tại trường).
– Học 06 ngày/tuần (từ thứ 2 đến thứ 7).
– Học chính thức bắt đầu từ ngày 26/08/2015.

2. Chương trình:
– Học theo chương trình 02 buổi/ngày (do Bộ GD&ĐT quy định).
– Học Tiếng Anh 02 tiết/tuần (đối với khối Chồi và khối Lá).
– Học trên máy tính: phần mềm “Phát triển trí thông minh toán học cho bé”, ” Bút chì thông minh”, học vẽ và tô màu (đối với khối Chồi và Khối lá).
– Tăng cường giáo dục lễ giáo, nề nếp thói quen, tính tự lập trong sinh hoạt hàng ngày và trong cuộc sống.
– Học các môn năng khiếu, rèn luyện thể chất cho các cháu (Võ, thể dục nhịp điệu…).
– Học tập ngoại khóa, tham quan dã ngoại.
– Tham gia hoạt động vui chơi, giải trí vào các ngày lễ hội: Quốc khánh, Khai giảng, Trung thu, 20/11, Tết Nguyên Đán, 01/6, Tổng kết,…

 

III. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TAO:

Thưc hiên theo chương trình Giáo dục mầm non mới do BGD&ĐT ban hành, ngoài ra nhà trường còn nghiên cứu đưa một số nội dung phối hợp, nhằm nâng cao mục tiêu đào tạo như sau:

• Phát triển tốt về thể chất.

• Phát triển tốt về nhận thức.

• Phát triển tốt về ngôn ngữ.

• Phát triển tốt về tố chất tình cảm xã hội.

• Phát triển tốt về tố chất thẩm mỹ.

 

1. Chương trình tiếng anh

Chương trình tiếng Anh do Hội đồng chuyên môn nhà trường phối hợp với các giáo viên ngoại ngữ thiết kế và xây dựng. Chú trọng đến khả năng lĩnh hội theo độ tuổi của bậc học. Nội dung học tập với sự hỗ trợ của các thiết bị, phòng vi tính, phòng chiếu phim.
Tại lớp, trẻ được chuẩn âm ngay từ giai đoạn tiếp thu ngôn ngữ đầu đời và từng bước làm giàu vốn từ vựng tiếng Anh liên quan đến thế giới xung quanh mình một cách tự nhiên, thoải mái thông qua các hoạt động học và chơi trực tiếp với giáo viên ngoại ngữ. Vì thế, qua quá trình trẻ sẽ dần hình thành năng lực sản sinh ngôn ngữ tích cực như phát âm rõ ràng, chuẩn xác và giao tiếp cơ bản, tự nhiên trong một phong cách tự tin ngay từ ngày đầu tiếp xúc với bộ môn này.

2. Chương trình công nghệ thông tin

Ngay từ bậc mẫu giáo, các em đã tiếp cận môn Công nghệ Thông tin, một môn học mang tính công cụ đầy thú vị trong chương trình Giáo dục toàn diện, được thiết kế và giảng dạy theo chuẩn của độ tuổi mầm non. Thông qua các bài học dưới hình thức trò chơi vui học hấp dẫn, các em sẽ được làm quen với các con số, hình dạng, chữ cái, vừa giúp phát triển khả năng ngôn ngữ, vừa hình thành, phát triển khả năng cảm thụ âm nhạc, khả năng tư duy, và kỹ năng sử dụng bàn phím thành thạo để phục vụ cho việc học tập dài lâu của các bậc học sau.

3. Chương trình phát triển năng khiếu
– Mỹ thuật
Thông qua các hoạt động như vẽ, tô màu, nặn tượng, tạo hình và các hoạt động thủ công khác để tạo ra một tác phẩm, các năng khiếu cá nhân mang tính thiên hướng của trẻ được đánh thức, bộc lộ và phát triển trong một tinh thần sáng tạo, tự do. Ý thức và khái niệm cũng như kỹ năng biểu đạt cơ bản bằng hình ảnh trong các bối cảnh hoặc thực, hoặc tưởng tượng được hình thành. Nhà trường thường xuyên tổ chức các cuộc thi và trưng bày các tác phẩm đạt giải và do chính tay trẻ thực hiện với mục đích chia sẻ và động viên các tài năng tuổi nhỏ.
– Âm nhạc
Trẻ không chỉ nghe, hát, vận động theo nhạc mà còn được học cách sử dụng các dụng cụ gõ, đệm theo phách, nhịp. Mục đích trọng tâm của bộ môn này là giúp học sinh phát triển kỹ năng cảm nhận và thể hiện cảm xúc đối với tác phẩm âm nhạc, phát hiện và đánh thức tài năng cá nhân qua các chương trình biểu diễn, lễ hội v.v. Đây cũng là hoạt động vừa mang tính cân bằng đời sống học đường với đời sống thực tế của trẻ, vừa là một công cụ để trẻ thể hiện khả năng sáng tạo cá nhân, mà qua đó, nhận thức thẩm mỹ của trẻ trước những vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống được từng bước hình thành và phát triển.
– Giáo dục thể chất
Ở bậc học Mầm non, đằng sau các hoạt động như nhịp điệu (Aerobics), võ thuật, trẻ thực hiện được các động tác phát triển các nhóm cơ và hô hấp, thể hiện kỹ năng vận động cơ bản v.v.. Giáo dục thể chất không tách rời việc giáo dục dinh dưỡng và ý thức giữ gìn sức khoẻ. Do đó, bộ môn còn giúp trẻ biết phân biệt độc hại – dinh dưỡng ở một số món ăn, thực phẩm thông thường, biết tự thực hiện các thói quen tốt trong sinh hoạt để giữ gìn sức khoẻ, nhận thức và phòng tránh được một số nguy cơ không an toàn v.v… Để gia tăng vận động và bồi dưỡng thể lực cho trẻ ở độ tuổi này, nhà trường thường xuyên tổ chức các loại hình sinh hoạt ngoài trời, các trò chơi tập thể và qua đó, giáo dục cho các em ý thức trân trọng bản thân, tinh thần đồng đội và ý thức trách nhiệm đối với thế giới chung quanh.

 IV. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

* Nhà trường coi việc thường xuyên giao tiếp là thành tố cốt lõi của mọi đường hướng, phương pháp chăm sóc và giáo dục trẻ vì qua đó, trẻ cảm nhận được sự chia sẻ, thương yêu và hiểu được ý nghĩa của việc “được chăm sóc”, và nhờ đó, trẻ có được cảm giác an toàn, sẵn sàng tham gia giao lưu, chia sẻ và cảm thấy gắn bó hơn với bạn bè, thầy cô giáo và nhà trường. Việc giao tiếp còn được mở rộng đến đối tượng phụ huynh trong tinh thần hợp tác và trách nhiệm đối với sự tiến bộ của con em mình.

* Nhà trường coi mỗi trẻ là một cá thể quan trọng, có những đặc điểm tâm sinh lý riêng và luôn luôn quan tâm đến nhu cầu, hứng thú, ý thích và những điểm mạnh, yếu của từng trẻ mà từ đó, tạo ra những tiếp sức tương hợp với trình độ và mức tiến bộ cá nhân của từng em. Do đó, các phương pháp giảng dạy luôn luôn được thay đổi một cách linh hoạt cho phù hợp với đối tượng từng trẻ, như phương pháp quan sát, sử dụng trực quan hình ảnh, đối thoại, diễn giải, nêu vấn đề v.v..

 

* Nhà trường luôn coi trọng các điều kiện, không gian vật chất để giúp phát huy tốt nhất niềm hưng phấn và tính sáng tạo của trẻ thông qua các trải nghiệm, tìm tòi, khám phá trong thực tế với phương châm “chơi mà học và học qua làm”. Do vậy, trong mọi hoạt động vui chơi, học tập, trẻ được làm, được thử và được sai để qua đó trẻ ghi nhận và tiếp thu bằng các giác quan một cách cân bằng: nghe, nói, nhận biết … Từ đó, trẻ được phát triển tư duy logic, khả năng phán đoán, phát triển trí nhớ, óc quan sát, chú ý, tưởng tượng khi tự tìm hiểu các sự vật, hiện tượng…

* Nhà trường coi trọng việc kết hợp hài hoà giữa giáo dục cá nhân với việc giáo dục trẻ trong nhóm bằng việc tổ chức hợp lý các hình thức hoạt động cá nhân (dựa trên nhu cầu, hứng thú của từng trẻ), các hoạt động theo nhóm nhỏ và cả lớp (dựa trên đặc điểm độ tuổi của nhóm, lớp) theo sát với điều kiện thực tế, mà qua đó, trẻ được hình thành các kỹ năng sống cá nhân, kỹ năng làm việc theo nhóm cũng như thói quen vận động thể chất tích cực, tạo ra sự phát triển toàn diện cho mọi trẻ.

 

V. CHĂM SÓC

Chăm sóc giáo dưỡng đối với lứa tuổi mầm non là hết sức quan trọng, vì thế nhà trường luôn dành sự quan tâm và sâu sát đến từng bữa ăn, giấc ngủ, sự phát triển thể chất và hình thành nhân cách của từng trẻ. Quan điểm này được chia sẻ sâu rộng, nhất quán từ cấp quản lý cao nhất đến từng cán bộ phục vụ, bảo mẫu, bảo vệ và được thể hiện xuyên suốt trong 2 bậc học của nhà trường.
 * Sỉ số lớp hạn chế
Sĩ số lý tưởng trung bình trong mỗi lớp học là 30 -> 35 trẻ và 2 giáo viên chuyên trách được đào tạo chính quy, tạo điều kiện cho các cô chăm sóc chu đáo từng trẻ.

Bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng
Các bữa ăn của trẻ đầy đủ dinh dưỡng cho sự phát triển của lứa tuổi, được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với sự theo dõi của cán bộ y tế của trường. Các nhà cung cấp thực phẩm đều có hợp đồng và cam kết chặt chẻ về Vệ sinh An Toàn Thực phẩm.

* Chăm sóc thể chất
Chất lượng chăm sóc được thể hiện qua từng bữa ăn, giấc ngủ, hoạt động vệ sinh, vui chơi, sinh hoạt hay học tập, để các em có được sức khoẻ và phát triển thể chất lành mạnh nhất. Nhà trường có chế độ khám sức khoẻ tổng quát và định kỳ cho từng trẻ.

* Chăm sóc y tế
Ngoài các chương trình khám sức khỏe định kỳ, các nhân viên y tế luôn có mặt thường trực tại trường để giải quyết các vấn đề sức khỏe phát sinh. Nhà trường đặc biệt coi trọng việc duy trì mối liên lạc chặt chẽ với phụ huynh trong việc chăm sóc và giáo dục các em.

Hình thành nhân cách
Nhà trường luôn nỗ lực tạo ra một môi trường thân thiện, giúp các em tự tin trong diễn đạt, bày tỏ suy nghĩ, thể hiện khả năng và sự nhận thức, đồng thời từng bước hình thành nhân cách đúng đắn trong một không gian sư phạm chuẩn mực.

* Chương trình “Chuyên đề quan sát trẻ” kết hợp Sổ nhật ký ngày của giáo viên, thông tin và ý kiến phụ huynh được xem như một hồ sơ lưu trữ theo sát những hoạt động trong học tập, sinh hoạt của từng trẻ nhằm có hướng bồi dưỡng hay phát triển một cách hợp lí.

Sinh hoạt ngoại khoá: Cũng được xem như một hoạt động vừa học vừa chơi, vì ở độ tuổi đang muốn tìm hiểu về bản thân mình, bên trong trẻ thường diễn ra những hoạt động tâm lý. Do vậy, để đưa trẻ vào một môi trường học tập – thư giãn tự nhiên, thoải mái và hào khởi, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt và vui chơi tập thể, các chuyến tham quan dã ngoại, học tập ngoài trời tại Công viên nước, thảo cầm viên, các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh… nhằm giúp các em tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên và hiệu quả thông qua phương pháp trực quan sinh động./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *